Ghosting – Thuật ngữ mới gây ám ảnh giới tuyển dụng
22/04/2024Ghosting là thuật ngữ thường được Gen Z sử dụng phổ biến trong các mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, “ghosting” đang dần xuất hiện cả trong lĩnh vực tuyển dụng gây nhiều hậu quả cho cả ứng viên và HR.
Ghosting trong tuyển dụng là gì?
Trong các mối quan hệ tình cảm, “ghosting” được sử dụng để chỉ việc bỗng dưng cắt đứt liên lạc với đối phương mà không báo trước. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi các ứng dụng hẹn hò ngày càng phát triển, hiện tượng này càng trở nên phổ biến.
Trong lĩnh vực tuyển dụng, “ghosting” là việc ứng viên hoặc nhà tuyển dụng đột ngột im lặng, ngừng liên lạc. Họ không đáp lại các thông báo, cuộc gọi hoặc email từ đối phương mà không để lại lý do.
- Đối với HR: “Ghosting” là khi người lao động nộp hồ sơ ứng tuyển, nhưng khi được gọi lại không đến phỏng vấn. Hoặc sau khi đã qua vòng phỏng vấn nhưng lại không đến nhận việc.
- Đối với ứng viên: HR sẽ “ghosting” bằng cách không phản hồi kết quả phỏng vấn hoặc “ngó lơ” ứng viên khi tuyển dụng.
Nguyên nhân khiến ứng viên và HR “mất tăm”
Tình trạng “ghosting” trong tuyển dụng có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Giao tiếp không rõ ràng. Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến ghosting là khi nhà tuyển dụng không cung cấp đủ thông tin cho ứng viên. Bao gồm quy trình tuyển dụng, thời gian phản hồi hay vị trí công việc. Điều này làm cho ứng viên không biết mong đợi gì và cảm thấy không được quan tâm đúng mức.
- Các cơ hội khác xuất hiện. Một ứng viên có thể nhận được nhiều lời mời phỏng vấn từ các công ty khác. Bộ phận tuyển dụng cũng nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển từ các ứng viên khác nhau. Khi có nhiều lựa chọn, họ có thể quyết định từ chối một cách không chính thức và không thông báo cho đối phương.
- Đánh giá không phù hợp hoặc kỳ vọng không thỏa đáng. Ứng viên có thể cảm thấy quá trình tuyển dụng không công bằng. Hoặc họ không thỏa mãn được kỳ vọng cá nhân. Do đó, họ chọn ghosting là cách để tránh việc giải thích hoặc đối thoại với nhà tuyển dụng.
- Vấn đề cá nhân. Ghosting cũng có thể xảy ra do những tình huống cá nhân. Chẳng hạn như bận rộn, mất sự quan tâm, hay thay đổi quyết định khi tìm việc làm/tuyển dụng.
- Cách làm việc chưa chuyên nghiệp. Sự thiếu chuyên nghiệp trong cách làm việc của một số ứng viên/nhà tuyển dụng cũng dẫn đến tình trạng “ghosting”.
Hậu quả của “ghosting” phiên bản công sở
Hậu quả của “ghosting” trong quá trình tuyển dụng có thể ảnh hưởng đến cả HR và ứng viên. Dưới đây là một số hậu quả của ghosting trong tuyển dụng:
- Tốn kém thời gian và nguồn lực. Khi một ứng viên “ghost”, HR phải dành thời gian và nguồn lực để tìm kiếm và đánh giá các ứng viên khác. Hoặc tiến hành các cuộc phỏng vấn bổ sung. Điều này làm tăng công việc và gây mất thời gian cho quá trình tuyển dụng.
- Tác động đến hình ảnh công ty. Ghosting có thể ảnh hưởng đến hình ảnh và danh tiếng của công ty. Trường hợp bên tuyển dụng cắt đứt liên hệ với ứng viên với mà không để lại lý do, hình ảnh của doanh nghiệp sẽ trở nên kém chuyên nghiệp.
- Đánh mất cơ hội và tài năng. Khi ghosting một ứng viên , công ty có thể mất đi cơ hội tuyển dụng một người tiềm năng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu suất của công ty trong tương lai. Ngược lại, khi “ghost” HR, ứng viên có thể đánh mất cơ hội được làm việc trong môi trường phù hợp.
Cách hạn chế “ghosting” tuyển dụng
Để hạn chế “ghosting” trong quá trình tuyển dụng, bạn có thể áp dụng các giải pháp sau đây:
- Giao tiếp liên tục và rõ ràng. Quy trình tuyển dụng phải được thông qua một quá trình giao tiếp rõ ràng và liên tục. Phía HR nên cung cấp thông tin chi tiết về quá trình tuyển dụng. Điều này giúp ứng viên hiểu rõ về quá trình tuyển dụng và không cảm thấy bị “bỏ rơi”.
- Phản hồi kịp thời. HR và ứng viên nên giữ liên lạc và đáp lại nhanh chóng các câu hỏi, thắc mắc liên quan đến công việc. Điều này cho thấy sự quan tâm, tôn trọng đối với đối phương và giúp duy trì một mối quan hệ tích cực.
- Trao đổi kế hoạch và thỏa thuận cụ thể. Nhà tuyển dụng cần trao đổi và thỏa thuận rõ ràng với ứng viên. Đặc biệt, cần đảm bảo sự công bằng. Các quyết định tuyển dụng phải được đưa ra thỏa đáng dựa trên cơ sở chuyên môn nhất định.
- Xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Cả ứng viên và nhà tuyển dụng nên xây dựng cho mình phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nên có sự phản hồi ngay cả khi cảm thấy đối phương không phù hợp với mong muốn hoặc yêu cầu tuyển dụng.
Như vậy, ghosting trong tuyển dụng là một hiện tượng tiêu cực. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến cả doanh nghiệp và người lao động. Để hạn chế, ứng viên và nhà tuyển dụng nên xây dựng cho mình cách làm việc phù hợp và chuyên nghiệp. Từ đó đảm bảo quy trình tuyển dụng diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn.